Đã nhiều lần thưởng thức bánh mì nướng sa tế ngoài quán và bị ấn tượng bởi hương vị độc đáo của món này. Bạn rất muốn tự làm để tạo ra món bánh của riêng mình? Vậy thì hãy thử ngay công thức dưới đây!
1. Giải mã sức hút món bánh mì nướng sa tế
Nhờ hương vị đậm đà và mới lạ, món bánh mì sa tế được rất nhiều người yêu thích, nhất là các bạn trẻ. Bánh sau khi nướng giòn tan, kèm đủ vị chua của sốt, vị cay của sa tế, vị mặn mặn ngọt ngọt của chà bông khiến thực khách trầm trồ tới tận miếng cuối cùng.
Từng chiếc bánh được cán mỏng rất vừa miệng, phết thêm sa tế cay nồng nướng trên than hoa làm dậy mùi thơm nức mũi. Khi bánh nóng giòn, phủ thêm ruốc, xúc xích và rưới mỡ hành lên phía trên. Bánh ra lò cắt thành từng miếng cỡ 3-4 cm, xếp lên đĩa ăn kèm với dưa chuột để cần bằng vị giác.
Điểm đặc biệt của món ăn này chính là sự kết hợp độc đáo của các loại nhân và sốt. Mỗi miếng bánh giòn tan trong miệng hòa quyện với tương cà và sốt mayonnaise béo ngậy.
2. Cách làm bánh mì nướng sa tế
2.1 Nguyên liệu
- Bánh mì: khoảng 3 ổ (hoặc tùy vào số lượng người ăn)
- Xúc xích: 1-2 chiếc
- Chà bông, ruốc
- Dưa chuột: 3 quả
- Sa tế: 1 lọ sa tế ớt
- Ớt bột (nếu muốn tăng vị cay)
- Dầu ăn
- Hành lá
- Sốt mayonnaise
- Tương ớt và các gia vị như đường, muối…
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn chọn được nguyên liệu tươi ngon nhất:
Chọn bánh mì:
- Nên chọn loại vỏ vàng, ruột trắng mềm, nóng và tỏa mùi thơm nhẹ thì càng tốt vì đó là những ổ mới ra lò.
- Không nên chọn các ổ đã ỉu, vỏ và ruột xuất hiện các mảng đổi màu
Chọn ruốc, chà bông
- Khi chọn mua, nên quan sát kỹ túi chà bông. Nếu các sợi tơi, có màu vàng tươi và thơm nhẹ là chà bông đạt chuẩn.
- Nếu túi trông cũ kỹ, bên trong có các sợi màu sẫm hoặc đen thì có thể túi thực phẩm đó đã được sản xuất từ lâu. Đặc biệt, nếu thấy trong túi có lẫn chà bông, ruốc bị vón cục, có nấm mốc thì túi đó chắc chắn không thể sử dụng được nữa
- Có thể làm chà bông và ruốc nhà để đảm bảo an toàn. Nếu không có điều kiện tự làm, hãy chọn mua tại các siêu thị, đại lý thực phẩm uy tín.
Chọn dưa chuột
- Nên chọn các trái màu xanh mướt, không có các vết vàng, vết thâm trên vỏ
- Dưa ngon sẽ có 2 đầu đều nhau, cầm chắc tay. Không chọn trái quá to vì dễ bị già hoặc rỗng ruột bên trong
- Phần cuống dưa trông tươi và có nhựa chảy ra nghĩa là mới cắt. Nếu phần cuống này đã thâm vè héo thì tức là dưa cũ, không nên mua
- Khi sờ vào có cảm giác quả dưa căng mịn, nhiều nước. Nếu vỏ hơi nhăn nheo, ấn vào thấy hơi mềm thì dưa đã bị héo
Chọn các loại gia vị và sốt
- Có rất nhiều loại gia vị và sốt từ các hãng khác nhau với thành phần khác nhau. Gia vị ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng ổ bánh nướng nên hãy cẩn thận chọn lựa
- Khi mua chú ý tới ngày sản xuất và hạn sử dụng. Hãy chọn các chai, gói gia vị mới được sản xuất, không có dấu hiệu móp méo, hư hỏng
- Các loại gia vị và sốt có thể mua tại các đại lý và siêu thị lớn
Dụng cụ cần chuẩn bị
- Vỉ nướng
- Bếp nướng
- Chổi quết nước sốt làm bánh
2.2 Các bước tiến hành
Lưu ý: Bạn có thể điều chỉnh công thức sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình. Nếu nhiều người ăn thì chỉ cần tăng lượng vỏ, nhân bánh và gia vị lên cho phù hợp là được.
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Bánh mì để nguyên chiếc, dùng chày cán dẹt trên mặt phẳng. Bánh hơi ỉu một chút sẽ dễ cán hơn.
- Hành lá rửa sạch, cất riêng phần củ, cắt khúc nhỏ, đựng vào bát riêng.
- Xúc xích rửa sạch, để ráo, cắt đôi theo chiều ngang rồi dùng dao xẻ dọc thành các thanh nhỏ khoảng 0,5 cm.
- Dưa chuột rửa sạch với nước muối, Gọt vỏ, cắt lát chéo vừa ăn. Có thể ăn tươi hoặc ướp làm nộm chua nếu thích.
Bước 2: Chuẩn bị mỡ hành
Bắc chảo lên bếp, đun đến khi dầu sôi thì rưới vào bát hành lá thái nhỏ đã chuẩn bị sẵn. Lưu ý nên chọn loại bát sứ hoặc bát sắt. Trong quá trình đổ mỡ và hành, cầm thật chắc chảo và đổ từ từ để tránh dầu bắn.
Bước 3: Chuẩn bị nước sốt sa tế
Có rất nhiều công thức pha chế khác nhau tùy theo khẩu vị của mỗi người. Với món này bạn có thể tham khảo công thức dưới đây:
- 1 thìa đường
- 1 thìa muối
- 1 thìa ớt bột
- 2 thìa sa tế
- 2 thìa tương ớt
Cho tất cả vào bát lớn rồi trộn thật đều. Nếu bạn không ăn được cay thì có thể loại bỏ ớt bột và giảm bớt tương ớt, sa tế.
Bước 4: Nướng bánh
Quết đều sốt nướng lên 2 mặt của rồi cho lên vỉ nướng, lật liên tục cho tới khi bánh thơm lừng và chín giòn (khoảng 3-4 phút).
Nếu không thích dùng bếp củi bạn có thể nướng bằng lò vi sóng hoặc nồi chiên. Tuy nhiên, nướng trên than sẽ giúp thơm và “đúng vị” nhất. Trải nghiệm nướng bằng than cũng vui hơn việc chỉ cho bánh vào nồi và bấm nút.
Bước 5: Thêm nhân bánh
Khi bánh đã giòn, rắc một lớp ruốc và chà bông kín mặt bánh. Thêm xúc xích và rưới lớp mỡ hành lên trên. Lúc này hơi nóng của bếp sẽ khiến món ăn dậy mùi thơm lừng. Nhẹ nhàng lấy bánh ra đĩa, thêm tương cà và sốt mayonnaise lên để món bánh thêm phần ngon mắt – ngon miệng.
Bước 6: Bày lên đĩa thưởng thức
Cắt bánh thành từng miếng vừa ăn rồi xếp lên đĩa. Xếp thêm phần dưa chuột đã chuẩn bị để ăn kèm.
3. Lưu ý cần nhớ khi làm bánh mì nướng sa tế
Một món ăn ngon độc đáo chắc chắn phải có bí quyết riêng. Hãy tham khảo ngay những lưu ý sau để thành phẩm bánh ra lò xuất sắc nhất nhé:
- Lật bánh liên tục khi nướng
Muốn bánh chín giòn khi nướng mà không bị cháy thì nên trở mặt bánh liên tục bằng đôi đũa dài hoặc chiếc kẹp nướng để tránh bị nóng. Bánh nướng xong sẽ giòn đều và có màu vàng ngon mắt
- Giảm độ cay theo khẩu vị
Khi tự làm tại nhà, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh độ cay theo khẩu vị của mình. Nếu muốn ăn cay cho đã, có thể cho thêm ớt bột, sa tế hoặc tương ớt.
- Làm nước chấm
Món bánh mì sa tế đậm vị đã có kèm tương ớt, sốt mayonnaise. Nhưng nếu bạn muốn món ăn thêm phần thú vị có thể pha thêm nước chấm chanh tỏi ớt chua ngọt.
Trên đây là cách làm bánh mì nướng sa tế 6 bước khá đơn giản. Chẳng cần ra quán bạn vẫn được ăn bánh đã thèm ngay tại nhà mình. Hãy thử ngay nhé!
Để lại bình luận, đánh giá cho bài viết này